3 hiểu biết cơ bản không thể bỏ lỡ về dầu dừa
Tác giảTường Miên

Mặc dù dầu dừa hữu dụng về nhiều mặt, có thể thích ứng với mọi loại da, vẫn không khuyến khích cho da quá mẫn cảm, dễ lên mụn.

Trong tất cả các loại dầu thiên nhiên dùng để chăm sóc da và tóc, mỗi loại dầu đều có những giá trị riêng của nó. Có thể kể đến rất nhiều loại nổi tiếng như dầu Argan, dầu Hạt Xương Rồng, dầu Hoa Anh Thảo, dầu Cám Gạo, dầu Hạnh Nhân, dầu Hạt Lựu, dầu Hạt Tầm Xuân, dầu Olive… Dầu dừa không hẳn là loại dầu tốt nhất nhưng lại là dầu được chọn làm chủ đề của bài viết này vì những lý do sau:

- Đây là loại dầu có xuất xứ Việt Nam (hầu hết các loại dầu khác đều nhập khẩu từ Mỹ, Ấn Độ, Châu Âu và các nước Châu Phi)

- Khá thông dụng đối với mọi người từ bình dân cho đến cao cấp. Có thể dễ dàng mua hoặc tự làm thủ công ở nhà.

- Dầu dừa có nhiều công dụng trong việc chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp

- Là loại dầu được nhiều người sử dụng (trong nước cũng như nước ngoài) ưa chuộng.

1. Nguồn gốc của dầu dừa

Trước khi sơ lược về tổng quan cây dừa, xin mạn phép mượn lời bài thơ “Dừa ơi”của nhà thơ Lê Anh Xuân: “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ. Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ. Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió. Tôi hỏi nội tôi “Dừa có tự bao giờ””.

Theo một số tài liệu ghi chép lại, dừa có nguồn gốc New zealand (cũng có một số tài liệu ghi là Ấn Độ). Cây dừa có tên tiếng Phạn là Kalpa Vriksha với ý nghĩa “cây của sự sống”. Dừa được trồng nhiều ở một số nước trên thế giới như: Ấn Độ, Srilanca, Thái Lan, Malaysia, Philippin, Indonesia, quần đảo Samoa, Phi-gi… và Việt Nam.

Ở nước ta, dừa được trồng từ Bắc chí Nam. Có những địa danh nổi tiếng từ xa xưa bây giờ chỉ còn lưu lại vết tích như Ô Chợ Dừa, làng dừa Yên Sở ở Hà Nội. Dọc theo các tỉnh duyên hải miền trung nơi ghi đậm dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh là làng cây dừa Vĩnh Thịnh. Bình Định còn có dừa Tam Quan, địa danh đã đi vào ký ức tuổi thơ qua những câu thơ mộc mạc của Phạm Hổ: “Em sinh ở Tam Quan. Giữa miền Nam ruột thịt. Quê em dù xa tít. Em vẫn nhớ vẫn thương…Cơm dừa trắng và ngon. Xa bao năm vẫn nhớ. Em nhớ gian nhà nhỏ. Sáng ngọn đèn dầu dừa…Em nhớ trái dừa tròn. Của quê em Bình Định…”.

Xuôi vào Phương Nam, mảnh đất phù sa màu mỡ đã dẫn đầu diện tích trồng dừa trong cả nước. Bến Tre trở thành xứ dừa, nơi yên ả điệu hò sông nước, mượt mà trong câu ca dao: “Mài dừa đạp bã cho nhanh. Nấu dầu mà chải tóc anh tóc nàng. Mài dừa dưới ánh trăng vàng. Ép dầu mà chải tóc nàng tóc anh”. Như vậy, từ xa xưa những vùng có trồng dừa đã biết dùng dầu dừa để làm đẹp theo kinh nghiệm dân gian. 

2. Công dụng của dầu dừa

Ngày nay, về mặt khoa học, dầu dừa có rất nhiều công dụng. Là loại dầu chứa Acid béo bão hòa, chuỗi trung bình Triglyceride (AB CTB) cung cấp năng lượng mà không gây tích tụ mỡ ở mô. Trong dầu dừa chứa nhiều vitamin E tự nhiên, vitamin K, Acid Lauric (tỷ lệ cao) và Myristic. Có tác dụng kháng khuẩn; chống nấm ngoài da, chàm và vảy nến; bảo vệ da dưới tia cực tím; ngăn ngừa lão hóa; bảo vệ da đầu, ngăn gàu; hỗ trợ diệt vi khuẩn gây viêm họng, sâu răng, viêm phổi; củng cố hệ tiêu hóa, chức năng tuyến giáp; hạn chế nguy cơ về tim mạch…

3. Loại dầu dừa "chân ái" của bạn

Vấn đề cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là chúng ta nên dùng loại dầu dừa nào. Hiện nay trên thị trường có hai loại dầu dừa chính: loại làm thủ công bằng phương pháp ép nóng và loại ép lạnh bằng máy quay ly tâm.

Phương pháp ép nóng thì nhiều người đã biết, dùng nhiệt độ nấu lên ép lấy dầu. Còn ép lạnh nói một cách dễ hiểu là dùng máy quay ly tâm tách dầu và nước, sau đó tiếp tục tách tạp chất và đường ra khỏi dầu thu lấy tinh chất dầu dừa. Chuyện loại nào tốt hơn loại nào, loại nào vẫn giữ được nhiều dưỡng chất hơn..vv.. đó không phải là vấn đề ở đây, đó là vấn đề của các chuyên gia.

Đã có thời gian dùng thử cả hai loại, trên phương diện cá nhân, mình nhận thấy như sau: nếu mua hoặc tự làm dầu dừa đúng nguyên chất không bị pha loãng hoặc không bị bỏ thêm bất cứ chất gì khác thì cả hai loại đều có tác dụng. Theo cảm quan thì dầu dừa thủ công có màu trắng ngà đến vàng nhạt (màu sắc phụ thuộc vào chất lượng dừa, thời gian nấu, nhiệt độ), mùi nặng, mức độ thẩm thấu chậm, để lâu sẽ có cặn nếu lọc không kỹ; dầu dừa ép lạnh có màu trắng ngà, mùi nhẹ, thẩm thấu nhanh. Như vậy tùy vào sở thích và hợp với loại nào mà mọi người có sự chọn lựa cho riêng mình.

Về tính chất vật lý, dầu dừa có tính không ổn định, dạng lỏng ở nhiệt độ phòng và dạng rắn dưới 23 độ C. Thông thường dầu dừa nguyên chất sẽ nhanh chóng đặc lại khi cho vào ngăn mát tủ lạnh và có màu trắng sáng. Dầu dừa có thể bôi trực tiếp lên vùng da cần dưỡng hoặc làm dầu nền trong các sản phẩm chăm sóc da như: kem dưỡng, bơ dưỡng, dầu dưỡng…

Lưu ý:

Mặc dù dầu dừa hữu dụng về nhiều mặt, có thể thích ứng với mọi loại da, vẫn không khuyến khích cho da quá mẫn cảm, dễ lên mụn. Được liệt vào danh sách các loại dầu nặng nên khi dùng chỉ sử dụng một lượng ít là đã phát huy công dụng, tránh dùng quá nhiều gây bí da, mẩn ngứa. Riêng đối với việc dưỡng tóc, một số trường hợp dễ bị kích ứng không nên chà xát quá nhiều dầu trực tiếp vào da đầu mà cần mát-xa nhẹ nhàng. Tốt nhất nên phối hợp với các loại dầu nhẹ hoặc trộn chung với những loại có tính dưỡng ẩm cao hơn như mật ong, sữa chua, bơ xay nhuyễn thành một dạng mặt nạ ủ tóc. 

Dầu dừa là một trong số thành phần chính trong tất cả các loại xà bông của khu vườn Tường Miên. Chúng mình kết hợp dầu dừa cùng các loại thảo mộc thiên nhiên tạo ra những bánh xà bông ngát hương, an lành mọi loại da. Bạn hãy khám phá ngay miếng xà bông "chân ái" của mình tại đây nhé: https://tuongmienagroecology.com/xa-bong